Bệnh Parkinson ở người trẻ thường có tiến triển rất khác so với Parkinson ở người lớn tuổi nhưng các triệu chứng lại không khác biệt nhiều. Một số trường hợp, bệnh có thể gây ra biểu hiện run tay ở người trẻ làm ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống cũng như công việc của bệnh nhân. Cùng tìm hiểu căn nguyên và phương pháp hạn chế nguy cơ bị parkinson ở người trẻ hiện nay nhé. 

Bệnh Parkinson khởi phát ở độ tuổi nào thì được xem là trẻ?

Hiệp hội bệnh Parkinson Hoa Kỳ (APDA) cho biết khoảng 10 – 20% bệnh nhân Parkinson có dạng khởi phát sớm hay còn gọi là bệnh Parkinson ở người trẻ. Đây là những trường hợp được chẩn đoán mắc bệnh Parkinson trong độ tuổi từ 21 đến dưới 50 tuổi. 

Cũng có một số trường hợp hiếm hoi dấu hiệu bệnh Parkinson có thể xuất hiện ở cả trẻ em và thanh thiếu niên dưới 20 tuổi. Dạng rối loạn này được gọi là Parkinson vị thành niên và thường có liên quan đến các đột biến gen cụ thể.

 

Dấu hiệu nhận biết bệnh Parkinson ở người trẻ

Nguyên nhân dẫn đến các triệu chứng của bệnh Parkinson là do có sự thay đổi ở não bộ, vì vậy dù ở bất kỳ độ tuổi nào người bệnh cũng đều có thể gặp phải một số biểu hiện đặc trưng. Đó có thể là các vấn đề ảnh hưởng đến vận động như:

  • Run tay, cánh tay, chân, hàm và mặt
  • Co cứng cơ, các chi hoặc toàn thân
  • Cứng đờ, cử động chậm chạp (Bradykinesia)
  • Tư thế không ổn định 
  • Suy giảm khả năng giữ thăng bằng và phối hợp, dễ té ngã

Bên cạnh đó, một số biểu hiện không liên quan đến vận động cũng có thể là dấu hiệu bệnh Parkinson, cụ thể bao gồm:

  • Có sự thay đổi tư duy hoặc suy nghĩ
  • Phiền muộn
  • Rối loạn giấc ngủ
  • Sa sút trí tuệ, suy giảm trí nhớ, lú lẫn
  • Táo bón hoặc các vấn đề về đường tiết niệu (tiểu không kiểm soát)

Mặc dù triệu chứng thông thường của bệnh Parkinson có thể giống nhau, tuy nhiên sẽ có sự khác biệt về khả năng xuất hiện ở các độ tuổi. Những người trẻ tuổi thường gặp nhiều biểu hiện liên quan đến rối loạn vận động (cử động cơ thể không tự chủ) hơn do tác dụng phụ của việc sử dụng levodopa – sản phẩm điều trị bệnh Parkinson được kê đơn phổ biến nhất. Đồng thời, họ cũng có nhiều khả năng bị loạn trương lực cơ, các đợt co cơ kéo dài dẫn đến chuột rút ở các chi hoặc hình thành các tư thế bất thường như trẹo bàn chân.

Ngược lại, các triệu chứng khác như: vấn đề nhận thức, mất trí nhớ, lú lẫn, rối loạn thăng bằng lại có xu hướng ít xảy ra hơn đối với bệnh Parkinson ở người trẻ.

Ngoài ra, cần lưu ý biểu hiện run tay ở người trẻ do bệnh Parkinson khởi phát sớm đôi khi có thể bị nhầm lẫn với bệnh run tay ở người trẻ tuổi do nguyên nhân di truyền (bệnh run vô căn) hoặc do các vấn đề sức khỏe khác. Do đó, bạn cần thực hiện thăm khám và tham khảo ý kiến bác sĩ để được chẩn đoán chính xác nhất trong trường hợp có các biểu hiện nghi ngờ.

Chẩn đoán và điều trị bệnh Parkinson ở người trẻ

Chẩn đoán

Nhìn chung, không có xét nghiệm cụ thể nào có thể áp dụng riêng biệt để chẩn đoán bệnh Parkinson. Thông thường, bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh Parkinson ở người trẻ dựa vào việc khai thác thông tin các triệu chứng cộng với kết quả thu thập được từ các xét nghiệm máu, xét nghiệm hình ảnh,… 

Mục đích của việc thực hiện các kỹ thuật xét nghiệm là để loại trừ một số tình trạng khác có thể gây ra các biểu hiện tương tự. Một ví dụ điển hình đó là bệnh run tay ở người trẻ tuổi cũng có thể làm xuất hiện triệu chứng run tay. Bên cạnh đó, các biểu hiện phiền muộn, lo âu, rối loạn giấc ngủ,… rất dễ gây ra sự nhầm lẫn với bệnh cường giáp hoặc tình trạng do lạm dụng chất kích thích.

Phương pháp điều trị

Các nghiên cứu về điều trị Parkinson vẫn đang được tiến hành và đã có những tiến bộ đáng kể. Tuy nhiên, có thể do không tìm thấy nguyên nhân chính xác gây ra bệnh, nên đến thời điểm này khoa học vẫn chưa tìm ra được cách chữa khỏi hoàn toàn bệnh Parkinson ở người trẻ. 

Thay vào đó, phương pháp dùng thuốc có thể hỗ trợ làm giảm các triệu chứng, giúp bệnh nhân cải thiện được chất lượng cuộc sống trong suốt quá trình đồng hành với bệnh. 

Về cơ bản, phác đồ chung để điều trị bệnh Parkinson thường là chỉ định kết hợp thuốc levodopa với một thành phần khác có tên là carbidopa. Nhưng khi xem xét trên các bệnh nhân trẻ tuổi, phác đồ này không được bác sĩ khuyến nghị điều trị do nguy cơ bị ảnh hưởng bởi tác dụng phụ. 

Một số trường hợp có thể cần phẫu thuật kích thích não sâu để tối ưu hóa khả năng kiểm soát vận động của cơ thể. Đây là phương pháp giúp điều chỉnh mức độ kích thích thông qua một thiết bị điện nhỏ được cấy vào vùng não có liên quan đến vận động.

Cách làm chậm tiến triển của bệnh Parkinson ở người trẻ

Nếu bệnh tiến triển càng chậm thì mức độ bị ảnh hưởng sẽ càng giảm thấp. Để làm được điều đó, bệnh nhân có thể áp dụng một số cách dưới đây:

  • Đọc các thông tin liên quan để giúp bản thân và những người xung quanh hiểu rõ hơn về bệnh Parkinson
  • Phối hợp chặt chẽ và tuân thủ điều trị của các bác sĩ, chuyên gia trị liệu,…
  • Thực hiện các hoạt động giúp giải tỏa căng thẳng như: trò chuyện với mọi người, tham gia lớp học khiêu vũ, luyện tập thể dục,…
  • Xây dựng chế độ ăn nhiều trái cây tươi, rau quả để ngăn ngừa táo bón và tăng cường sức khỏe tổng thể giúp duy trì khả năng vận động
  • Cố gắng thích nghi với việc chung sống cùng bệnh để tiếp tục làm việc và tận hưởng cuộc sống
  • Tìm sự tư vấn của các chuyên gia tâm lý nếu bệnh có thể tác động không nhỏ đến sức khỏe tinh thần 

Tóm lại, bệnh Parkinson ở người trẻ có thể không quá nghiêm trọng do khả năng tiến triển chậm và tỷ lệ sống thường lâu hơn so với người lớn tuổi. Điều quan trọng là cần hiểu rõ và nhận biết sớm các dấu hiệu bệnh Parkinson để kịp thời lựa chọn phương pháp xử lý phù hợp, nhằm nâng cao hiệu quả điều trị và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Bài viết khác